Màu sắc tác động tới cuộc sống chúng ta như thế nào?

Từ rất nhiều nghiên cứu khoa học về “quyền năng” đáng ngạc nhiên của những sắc màu, nhà thiết kế Jean- Gabriel Causse đã giải thích về ý nghĩa biểu tượng của các màu sắc và hướng dẫn cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả.Jean đã giúp chúng ta trả lời các câu hỏi: Nên sơn tường văn phòng hoặc phòng ngủ màu gì? Có nên cho con sử dụng bút nhớ màu hồng hay xanh lá để học bài hay không? Sau khi đọc bài viết này, chắc hẳn bạn sẽ không bao giờ sử dụng màu sắc một cách tình cờ nữa.

Màu xanh dương giúp ta thư giãn

Người ta tin rằng những màu lạnh mang lại cảm giác yên bình, thư thái. Giải thích thực tế này, các nhà khoa học cho biết: hệ thần kinh phó giao cảm của con người được kích thích bằng các màu lạnh (xanh dương, tím).  Nhờ vậy, cơ thể có thể giảm huyết áp, nhịp tim và nhịp thở – là những hành động rất cần thiết khi thư giãn. Ngoài ra, bầu không khí thoải giúp ta kích thích sự sáng tạo.

Những màu lạnh như xanh dương có tác dụng giúp ta bình tĩnh.

Màu sắc của hình nền máy tính liệu có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc hay không? Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận câu trả lời là có.

Với hình nền máy tính màu xanh, bạn có thể thực hiện những nhiệm vụ đơn giản tốt hơn, và có thể dễ dàng tăng cường khả năng sáng tạo.
Nhìn đời qua lăng kính màu hồng

Theo nhà khoa học Alexander Schauss, màu hồng là một màu nóng giúp ta bình tĩnh. Năm 1979, Schauss đã cố thuyết phục hai quản ngục nhà tù Seattle của Hải quân Mỹ là Miller và Baker sơn tường phòng tù nhân màu hồng. Sau 5 tháng thực hiện, tỉ lệ bạo động của các tù nhân đã giảm rõ rệt: chỉ khoảng 15 phút tiếp xúc với màu hồng là đã có thể giảm ít nhất là 30 phút bạo động.

 

Màu hồng giúp con người bình tĩnh, giảm tỉ lệ bạo động.

Kể từ đó, màu hồng được sử dụng ở những phòng thư giãn tại các viện tâm thần, trên tường trường học nơi có những học sinh hiếu động thái quá, và ở những nhà tù tại Thụy Sĩ.
Những màu gợi cảm
Liệu có mối liên hệ nào giữa tần số quan hệ tình dục và màu sắc căn phòng của bạn (tường, khăn trải giường, đồ nội thất) hay không?

Đỏ là màu mang đến sự gợi cảm và ham muốn.

Tờ Daily Mail đưa tin, trong một nghiên cứu khoa học năm 2012 thực hiện bởi cửa hàng Littlewoods, 2000 người đã đồng ý cung cấp thông tin về màu sắc rèm cửa phòng mình và tần suất quan hệ tình dục mỗi tuần. Kết quả là, màu đỏ là một trong những màu đứng đầu danh sách (tương ứng với 3,18 lần làm chuyện ấy mỗi tuần), nhưng lại chịu thua màu tím (3,49 lần). Các màu trắng (tương ứng với 2,02 lần quan hệ 1 tuần), màu be (1,97 lần) và màu xám (1,8 lần) đều là những màu nằm cuối bảng.

Màu sắc và khả năng học tập

Trong một thí nghiệm thực hiện bởi Wichmann năm 2002, các tình nguyện viên được cho xem 48 bức hình, nửa có màu và nửa là đen trắng. Một vài phút sau, thí nghiệm này được lặp lại. Khi được hỏi về những tấm hình đã xem, các tình nguyện viên trả lời là nhớ hình màu nhiều nhất.

Màu sắc sặc sỡ giúp cải thiện quá trình học tập.

Màu sắc có tác động đáng kinh ngạc lên bộ nhớ của chúng ta. Theo một nghiên cứu của Embry năm 1984, màu sắc giúp cải thiện quá trình học tập từ 55 tới 78%. Chúng giúp tăng cường khả năng lĩnh hội tới 73% – theo nghiên cứu của Johnson năm 1992. Và đó chính là lý do chúng ta sử dụng bút nhớ trong quá trình học tập.

Màu sắc tại văn phòng

Nhân viên ở những văn phòng tràn ngập sắc màu sẽ có năng suất làm việc tốt hơn là những người làm việc ở những văn phòng có tường sơn trắng và đồ nội thất thì không có màu sắc rõ ràng. Theo một nghiên cứu năm 2010 của Elif Öztürk, phòng làm việc màu trắng gây ra cảm giác mệt mỏi cho nhân viên, và trong dài hạn, có thể gây hại cho khả năng làm việc của họ nơi công sở.

Không nên sơn tường phòng làm việc màu trắng và sử dụng bàn màu đen vì chúng làm giảm hiệu suất làm việc.

Vậy thì, màu sắc gì là tốt nhất cho môi trường công sở? Trong một thí nghiệm thực hiện bởi các nhà khoa học Kwallek, Lewis và Robbins năm 1988, các tình nguyện viên được yêu cầu đánh máy trong một giờ tại hai văn phòng có màu khác nhau: xanh và đỏ. Kết quả là, các tình nguyện viên ở văn phòng màu đỏ hoạt động tích cực hơn, còn tình nguyện viên ở văn phòng xanh cảm thấy thoải mái hơn.

Một nghiên cứu khác của Ainsworth, Simpson và Cassell năm 1993 chỉ ra: sự kết hợp giữa hai màu xanh lá và xanh dương làm tăng mức độ trầm cảm và giảm tần suất làm việc.